TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 7161-1 : 2009
ISO 14520-1 : 2006
HỆ THỐNG CHỮA CHÁY BẰNG KHÍ – TÍNH CHẤT VẬT LÝ VÀ THIẾT KẾ HỆ THỐNG – PHẦN 1: YÊU CẦU CHUNG
Gaseous fire – extinguishing systems – Physical properties and system design – Part 1: General requirements
Lời nói đầu
TCVN 7161-1:2009 thay thế TCVN 7161-1:2002.
TCVN 7161-1:2009 hoàn toàn tương đương với ISO 14520-1:2006 và Cor 1:2007.
TCVN 7161-1:2009 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 21 Thiết bị phòng cháy chữa cháy biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
TCVN 7161 (ISO 14520) Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống bao gồm các phần sau:
TCVN 7161-1:2009 (ISO 14520-1:2006) – Phần 1: Yêu cầu chung
TCVN 7161-9:2009 (ISO 14520-9:2006) – Phần 9: Khí chữa cháy HFC 227 ea.
TCVN 7161-13:2009 (ISO 14520-13:2005) – Phần 13: Khí chữa cháy IG-100.
ISO 14520 Gaseous fire-extinguishing systems – Physical properties and system design còn có các phần sau:
– Part 2: CF3L extinguishant;
– Part 5: FK-5-1-12 extinguishant;
– Part 6: HCFC Blend A extinguishant;
– Part 8: HFC 125 extinguishant;
– Part 10: HFC 23 extinguishant;
– Part 11: HFC 235fa extinguishant;
– Part 12: IG-01 extinguishant;
– Part 14: IG-55 extinguishant;
– Part 15: IG-541 extinguishant.
HỆ THỐNG CHỮA CHÁY BẰNG KHÍ – TÍNH CHẤT VẬT LÝ VÀ THIẾT KẾ HỆ THỐNG – PHẦN 1: YÊU CẦU CHUNG
Gaseous fire – extinguishing systems – Physical properties and system design – Part 1: General requirements
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này qui định các yêu cầu và đưa ra các khuyến nghị về thiết kế, lắp đặt, thử nghiệm, bảo dưỡng và an toàn của các hệ thống chữa cháy bằng khí trong các tòa nhà, nhà máy hoặc các công trình xây dựng khác, qui định đặc tính của các khí chữa cháy khác nhau và các loại đám cháy thích hợp với các khí chữa cháy này.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các hệ thống chữa cháy bằng khí theo thể tích cho các tòa nhà, nhà máy và các đối tượng khác khi sử dụng các chất khí chữa cháy không dẫn điện, không để lại cặn sau khi phun và có đủ các dữ liệu để một cơ quan độc lập có thẩm quyền có thể đánh giá được tính năng và đặc tính an toàn của chúng. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho hệ thống phòng nổ.
Tiêu chuẩn này không hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các khí chữa cháy được liệt kê dưới đây vì các khí chữa cháy khác cũng có thể được chấp nhận theo cách tương tự. Khí CO2 không thuộc phạm vi của tiêu chuẩn này mà được qui định trong các tiêu chuẩn khác.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các chất khí chữa cháy được liệt kê trong Bảng 1 và cần được sử dụng cùng với các phần khác của TCVN 7161 (ISO 14520) cho các khí chữa cháy như đã nêu trong Bảng 1.
Bảng 1 – Chất khí chữa cháy
Khí chữa cháy | Tên hóa học | Công thức | CAS số | Tiêu chuẩn áp dụng |
CF3I | Trifloiođometan | CF3I | 2314-97-8 | ISO 14520-2 |
FK-5-1-12 | Đođecaflo-2-metylpen-tan-3-one | CF3CF2(O)CF(CF3)2 | 756-13-8 | ISO 14520-5 |
HCFC hỗn hợp A | ISO 14520-6 | |||
HCFC-123 | Điclotrifloetan | CHCL2CF3 | 306-83-2 | |
HCFC-22 | Clo điflometan | CHCLF2 | 75-45-6 | |
HCFC-124 | Clotetrafloetan | CFCLFCF3 | 2837-89-0 | |
Isopropenyl-1-metyl-cyclohexen | C10H16 | 5989-27-5 | ||
HFC 125 | Pentafloetan | CHF2CF3 | 354-33-6 | ISO 14520-8 |
HFC 227 ea | Heptaflopropan | CF3CHFCF3 | 2252-84-8 | TCVN 7161-9 |
HFC 23 | Triflometan | CHF3 | 75-46-7 | ISO 14520-10 |
HFC 236 fa | Hexaflopropan | CF3CH2CF3 | 27070-61-7 | ISO 14520-11 |
IG-01 | Argon | Ar | 74040-37-1 | ISO 14520-12 |
IG-100 | Nitơ | N2 | 7727-37-9 | TCVN 7161-13 |
Nitơ (50%) | N2 | 7727-37-9 | ||
IG-55 | Argon (50%) | Ar | 74040-37-1 | ISO 14520-14 |
Nitơ (52%) | N2 | |||
IG-541 | Argon (40%) | Ar | 74040-37-1 | ISO 14520-15 |
Cacbon dioxit (8%) | CO2 | 124-38-9 |
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây được áp dụng trong tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn có ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu không ghi năm c ông bố thì áp dụng phiên bản mới nhất (bao gồm cả các sửa đổi).
TCVN 4878 (ISO 3941), Phân loại cháy.
TCVN 7161-9 (ISO 14520-9), Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống – Phần 9: Khí chữa cháy HFC 227 ea.
TCVN 7161-13 (ISO 14520-13), Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và thiết kế hệ thóng – Phần 13: Khí chữa cháy IG-100.
ISO 5660-1, Reaction-to-fire tests – Heat release, smoke production and mass loss rate – Part 1: Heat release rate (cone calorimeter method) [Thử phản ứng với đám cháy – Sự thoát nhiệt, sự sinh khói và tốc độ tổn thất khối lượng – Phần 1: Tốc độ thoát nhiệt (Phương pháp nhiệt lượng kế hình côn)]
ISO 14520-2, Gaseous fire-extinguishing systems – Physical properties and system design – Part 2: CF3I extinguishant (Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống – Phần 2: Khí chữa cháy CF3I)
ISO 14520-5, Gaseous fire-extinguishing systems – Physical properties and system design – Part 5: FK-5-1-12 extinguishant (Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống – Phần 5: Khí chữa cháy FK-5-1-12).
ISO 14520-6, Gaseous fire-extinguishing systems – Physical properties and system design – Part 6: HCFC Blend A extinguishant (Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống – Phần 6: Khí chữa cháy HCFC hỗn hợp A).
ISO 14520-8, Gaseous fire-extinguishing systems – Physical properties and system design – Part 8: HFC 125 extinguishant (Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống – Phần 8: Khí chữa cháy HFC 125).
ISO 14520-10, Gaseous fire-extinguishing systems – Physical properties and system design – Part 10: HFC 23 extinguishant (Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống – Phần 10: Khí chữa cháy HFC 23).
ISO 14520-11, Gaseous fire-extinguishing systems – Physical properties and system design – Part 11: HFC 236fa extinguishant (Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống – Phần 11: Khí chữa cháy HFC 236 fa).
ISO 14520-12, Gaseous fire-extinguishing systems – Physical properties and system design – Part 12: IG-01 extinguishant (Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống – Phần 12: Khí chữa cháy IG-01).
ISO 14520-14, Gaseous fire-extinguishing systems – Physical properties and system design – Part 14: IG-55 extinguishant (Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống – Phần 14: Khí chữa cháy IG-55).
ISO 14520-15, Gaseous fire-extinguishing systems – Physical properties and system design – Part 15: IG-541 extinguishant (Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống – Phần 15: Khí chữa cháy IG-541).
ASTME 1354-04a, Standard Test Method for Heat and Visible Smoke Release Rates for Materials and Products Using an Oxygen Consumption Calorimeter (Phương pháp thử tiêu chuẩn cho các tốc độ thoát nhiệt, khói nhìn thấy được đối với các vật liệu và sản phẩm khi sử dụng nhiệt lượng kế tiêu thụ oxy).
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây.
CHÚ THÍCH: Trong tiêu chuẩn này, “bar” được đo bởi “đồng hồ áp suất” nếu không có các chỉ định khác. Các nồng độ hoặc các đại lượng biểu thị bằng phần trăm (%) phải được lấy theo thể tích nếu không có qui định nào khác.
3.1. Được phê duyệt (approved)
Được cơ quan có thẩm quyền (xem 3.2) có liên quan chấp nhận.
CHÚ THÍCH: Khi xác định khả năng chấp nhận việc lắp đặt thiết bị hoặc các qui trình, thiết bị hoặc vật liệu, cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ vào việc tuân theo các tiêu chuẩn thích hợp.
3.2. Cơ quan có thẩm quyền (authority)
Tổ chức, cơ quan hoặc cá nhân có chức năng phê duyệt thiết bị, lắp đặt thiết bị hoặc các qui trình vận hành.
3.3. Bộ chuyển đổi tự động/bằng tay (automatic/manual swich)
Phương tiện chuyển đổi hệ thống từ vận hành tự động sang vận hành bằng tay.
CHÚ THÍCH: Bộ phận chuyển mạch này có thể có dạng một công tắc điều khiển tay trên panen điều khiển hoặc các bộ phận khác, hoặc một khóa liên động của cửa cho nhân viên. Trong mọi trường hợp bộ phận này làm thay đổi chế độ vận hành của hệ thống từ tự động và bằng tay sang chỉ bằng tay hoặc ngược lại.
3.4. Khí chữa cháy (extinguishant)
Khí chữa cháy thể khí không dẫn điện, khi bay hơi không để lại cặn (xem Bảng 1).
3.5. Khoảng hở (clearance)
Khoảng không giữa thiết bị, bao gồm cả đường ống và đầu phun cũng như dây điện trần hoặc các thành phần của các thiết bị điện không cách điện có điện áp khác với điện áp mặt đất.
3.6. Nồng độ (concentration)
3.6.1. Nồng độ thiết kế (design concentration)
Nồng độ khí chữa cháy bao gồm cả hệ số an toàn được dùng để thiết kế hệ thống.
3.6.2. Nồng độ lớn nhất (maximum concentration)
Nồng độ đạt được từ lượng khí chữa cháy thực tế ở nhiệt độ lớn nhất của môi trường xung quanh trong khu vực được bảo vệ.
3.6.3. Nồng độ dập tắt (extinguishing concentration)
Nồng độ nhỏ nhất của khí chữa cháy cần thiết để dập tắt một đám cháy liên quan đến một nhiên liệu riêng biệt trong các điều kiện thực nghiệm xác định không kể đến bất kỳ hệ số an toàn nào.
3.7. Hệ thống được thiết kế (engineered system)
Hệ thống trong đó nguồn cung cấp khí chữa cháy bảo quản tập trung được phun qua hệ thống ống và đầu phun mà kích thước của mỗi đoạn ống và lỗ đầu phun đã được tính theo các phần có liên quan của TCVN 7161 (ISO 14520).
3.8. Mật độ nạp (fill density)
Khối lượng của khí chữa cháy trên một đơn vị thể tích của bình chứa.
3.9. Lượng khí chữa cháy (flooding quantity)
Khối lượng hoặc thể tích của khí chữa cháy cần thiết để đạt được nồng độ thiết kế trong thể tích được bảo vệ với thời gian phun qui định.
3.10. Thể tích tính (nett volume)
Thể tích được bao bọc bởi các thành phần của tòa nhà xung quanh không gian được bảo vệ trừ đi thể tích của bất kỳ thành phần cố định không thấm nước nào bên trong không gian đó.
3.11. Thời gian duy trì (hold time)
Khoảng thời gian trong đó nồng độ của khí chữa cháy xung quanh vùng có sự cố cháy lớn hơn nồng độ dập tắt đám cháy.
3.12. Kiểm tra (inspection)
Xem xét bằng mắt để đưa ra sự bảo đảm rằng hệ thống chữa cháy đã được nạp đầy và có thể hoạt động được.
CHÚ THÍCH: Công việc kiểm tra này được thực hiện để bảo đảm rằng hệ thống được lắp đặt vào vị trí, chưa được hoạt động hoặc chưa bị can thiệp và chưa có hư hỏng rõ rệt về vật lý hoặc không có tình trạng cản trở sự hoạt động.
3.13. Khí hóa lỏng (liquefied gas)
Khí hoặc hỗn hợp khí (thường là halo cacbon) ở thể lỏng tại mức áp suất ổn định trong bình chứa ở điều kiện nhiệt độ phòng (200C)
3.14. Cơ cấu khóa ngắt (lock-off device)
Van ngắt bằng tay được lắp trên đường ống xả từ bình chứa khí chữa cháy hoặc kiểu cơ cấu khác để ngăn chặn bằng cơ khí sự kích hoạt của bình chứa khí chữa cháy.
CHÚ THÍCH 1: Trạng thái của cơ cấu khóa ngắt phải được hiển thị để dễ nhận biết.
CHÚ THÍCH 2: Mục đích của cơ cấu khóa ngắt là ngăn cản sự phun khí chữa cháy vào vùng có sự cố cháy (bảo vệ) khi nó được vận hành.
3.15. Mức ảnh hưởng có hại thấp nhất quan sát được LOAEL (lowest observed adverse effect level)
Nồng độ thấp nhất tại đó đã quan sát được sự nhiệm độc hoặc sự tác động đến sinh lý.
3.16. Bảo dưỡng (main tenance)
Kiểm tra tỷ mỉ bao gồm việc xem xét kỹ và bất kỳ sự sửa chữa hoặc thay thế cần thiết nào đối với các thành phần của hệ thống để bảo đảm tới mức tối đa rằng hệ thống chữa cháy sẽ hoạt động như dự định.
3.17. Áp suất làm việc lớn nhất (maximum working presure)
Áp suất cân bằng trong bình ở nhiệt độ làm việc lớn nhất.
CHÚ THÍCH 1: Đối với các khí hóa lỏng, áp suất làm việc lớn nhất là áp suất ở mật độ nạp lớn nhất và có thể bao gồm áp suất nén tạo áp.
CHÚ THÍCH 2: Áp suất cân bằng đối với bình chứa khí vận chuyển trên đường có thể khác với áp suất cân bằng khi bảo quản trong tòa nhà.
3.18. Mức ảnh hưởng không có hại quan sát được NOAEL (no observed advese effect level)
Nồng độ cao nhất tại đó không quan sát được sự nhiễm độc hoặc sự tác động đến sinh lý.
3.19 Khí không hóa lỏng (non-liquefied gas)
Khí hoặc hỗn hợp khí (thường là khí trơ) mà trong các điều kiện áp suất sử dụng và nhiệt độ sử dụng cho phép luôn luôn ở thể khí.
3.20. Khu vực thường có người (normally occupied area)
Khu vực thường có người đi tới.
3.21. Khu vực thường không có người (normally unoccupied occupied erea)
Khu vực thường không có người đi tới nhưng thỉnh thoảng có thể có người đi vào trong thời gian ngắn.
3.22. Hệ thống chế tạo sẵn (pre-engineered systems)
Hệ thống gồm có một nguồn cung cấp khí chữa cháy có dung lượng qui định được nối với đường ống có bố trí một đầu phun cân bằng đạt tới mức thiết kế lớn nhất cho phép.
CHÚ THÍCH: Không cho phép có sai lệch so với các giới hạn do nhà sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền qui định.
3.23. Hệ số an toàn (safety factor)
Số nhân với nồng độ dập tắt của khí để xác định nồng độ thiết kế nhỏ nhất của khí chữa cháy.
3.24. Đương lượng của khí chữa cháy ở mức nước biển (sea level equivalent of agent)
Nồng độ khí chữa cháy (phần trăm thể tích) ở mức nước biển mà ở đó áp suất riêng phần của khí chữa cháy bằng với áp suất riêng phần của khí chữa cháy tại độ cao đã cho.
3.25. Đương lượng của oxy ở mức nước biển (sea level equivalent of oxygen)
Nồng độ của oxy (phần trăm thể tích) ở mức nước biển mà ở đó áp suất riêng phần của oxy bằng với áp suất riêng phần của oxy tại độ cao đã cho.
3.26. Van chọn (selector valve)
Van được lắp trên ống xả từ bình chứa khí chữa cháy để xả khí chữa cháy tới khu vực được lựa chọn.
CHÚ THÍCH: Van chọn được dùng khi bố trí một hoặc nhiều bình chứa khí chữa cháy để xả khí chữa cháy có chọn lọc tới khu vực bảo vệ.
3.27. Sự nén tạo áp (Superpressurization)
Sự bổ sung thêm khí cho bình chứa khí chữa cháy khi cần thiết để đạt tới áp suất yêu cầu cho hệ thống vận hành tốt.
3.28. Hệ thống chữa cháy thể tích (total flooding system)
Hệ thống được bố trí để phun khí chữa cháy vào một không gian được bao kín để đạt được nồng độ thiết kế thích hợp.
3.29. Khu vực không thể có người (unoccupiable area)
Khu vực không thể có người do sự hạn chế về kích thước hoặc về các yếu tố vật lý khác.
VÍ DỤ: Các phòng và khoảng trống rất nhỏ hẹp.
4. Ứng dụng và các hạn chế
4.1. Qui định chung
Trong tiêu chuẩn này từ “phải” chỉ ra yêu cầu bắt buộc; từ “nên” chỉ một đề nghị hoặc một lời khuyên nhưng không phải là yêu cầu.
Việc thiết kế, lắp đặt, sử dụng và bảo dưỡng đối với hệ thống chữa cháy bằng khí phải do những người có năng lực và thẩm quyền về hệ thống chữa cháy thực hiện. Việc bảo dưỡng và lắp đặt chỉ được thực hiện bởi các nhân viên và công ty có đủ điều kiện.
Các đối tượng mà hệ thống này bảo vệ được và bất cứ các hạn chế nào trong việc sử dụng chúng phải được đề cập trong danh sách hướng dẫn thiết kế hệ thống của nhà cung cấp.
Các hệ thống chữa cháy thể tích chủ yếu được dùng để chữa cháy trong khu vực được bao che kín hoặc các thiết bị có sẵn cấu kiện bao che vây quanh để có thể giữ được khí chữa cháy. Sau đây là các đối tượng điển hình như đã nêu trên nhưng chưa được liệt kê đầy đủ:
a) thiết bị điện và điện tử;
b) thiết bị thông tin viễn thông;
c) các chất lỏng và khí dễ cháy và dễ bắt lửa;
d) các tài sản có giá trị cao khác.
4.2. Khí chữa cháy
Bất cứ khí nào được tiêu chuẩn này thừa nhận hoặc đề nghị phải được đánh giá theo cách tương đương với phương pháp do chương trình SNAP của cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) của Hoa Kỳ hoặc phương pháp đánh giá khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng.
Các khí chữa cháy được nêu trong tiêu chuẩn này là các khí không dẫn điện.
Các khí chữa cháy và các thông số của hệ thống đặc thù được đề cập riêng trong các phần của TCVN 7161 (ISO 14520) cho các khí chữa cháy riêng. Các phần đó phải được sử dụng cùng với tiêu chuẩn này.
Nếu không đã thực hiện thử nghiệm có liên quan theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, các khí chữa cháy được nêu trong tiêu chuẩn này không được sử dụng chữa các đám cháy có các chất sau:
a) các hóa chất tự chứa nguồn cung cấp oxy riêng, như xenluloza nitrat;
b) các hỗn hợp chứa các vật liệu oxy hóa, như natri clorat hoặc natri nitrat;
c) các hóa chất có khả năng chịu được sự tự phân hủy nhiệt, như một số peroxit hữu cơ;
d) các kim loại có hoạt tính hóa học (như natri, kali, manhê, titan và ziriconi), các hidrua có hoạt tính hóa học hoặc các amit kim loại, một số trong các kim loại này có thể có phản ứng rất mạnh với một số khí chữa cháy;
e) các môi trường có các diện tích bề mặt đáng kể có nhiệt độ lớn hơn nhiệt độ phá hủy của khí chữa cháy và được đốt nóng bằng cách khác với ngọn lửa.
4.3. Phóng điện do tĩnh điện
Phải chú ý khi phun khí chữa cháy vào môi trường có khả năng gây nổ. Sự phóng điện do tĩnh điện của các vật dẫn điện không được nối đất có thể xảy ra trong quá trình phun khí chữa cháy. Các vật dẫn này có thể phóng điện sang các vật khác với năng lượng đủ lớn để có thể kích nổ. Khi hệ thống được sử dụng với khí trơ thì đường ống phải được liên kết với nhau và được nối đất.
4.4. Tính tương thích với các khí chữa cháy khác
Chỉ được phép trộn lẫn các khí chữa cháy trong cùng một bình chứa nếu hệ thống được chấp thuận cho sử dụng hỗn hợp khí này.
Không được phép sử dụng các hệ thống phun đồng thời các khí chữa cháy khác nhau để bảo vệ cùng một không gian được bao kín.
4.5. Giới hạn về nhiệt độ
Tất cả các thiết bị phải được thiết kế cho mục đích chữa cháy và không dễ dàng rơi vào trạng thái không hoạt động được hoặc hoạt động không như mong muốn. Các thiết bị thường phải được thiết kế để hoạt động tốt trong khoảng nhiệt độ từ -200C đến 500C, hoặc được ghi nhãn chỉ ra các giới hạn nhiệt độ, hoặc theo các thông số kỹ thuật của nhà sản xuất ghi trên biển nhãn hoặc (khi không có biển nhãn) ghi trong tài liệu hướng dẫn của nhà sản xuất.
5. An toàn
5.1. Nguy hiểm đối với con người
Mọi nguy hiểm cho con người do việc phun khí chữa cháy tạo ra phải được xem xét khi thiết kế hệ thống, nhất là các nguy hiểm do các khí chữa cháy đặc biệt nêu trong các phần bổ sung của TCVN 7161 (ISO 14520) gây ra. Khi không cần thiết, tránh tiếp xúc với tất cả các khí chữa cháy.
Việc áp dụng TCVN 7161 (ISO 14520) không loại bỏ trách nhiệm về pháp lý của người sử dụng là phải tuân thủ các qui tắc an toàn thích hợp.
Các sản phẩm được tạo ra do sự phân hủy khí chữa cháy sạch ở nhiệt độ cao có thể là nguy hiểm. Tất cả các khí chữa cháy halocacbon hiện đang sử dụng đều có flo. Sự kết hợp của flo và hidro (từ hơi nước hoặc bản thân quá trình cháy) tạo ra sản phẩm phân hủy là hiđro florua (HF).
Các sản phẩm phân hủy này có mùi rất hắc, cay mặc dù nồng độ chỉ là một vài phần triệu. Đặc tính này là dấu hiệu cảnh báo đối với khí chữa cháy, nhưng cũng là môi trường độc hại cho người phải đi vào vùng có sự cố chữa cháy sau khi chữa cháy.
Lượng khí chữa cháy sạch bị phân hủy trong khi dập tắt một đám cháy phụ thuộc vào sự mở rộng kích thước đám cháy, khí chữa cháy sạch đặc biệt, nồng độ của khí chữa cháy và khoảng thời gian mà khí chữa cháy tiếp xúc với ngọn lửa hoặc bề mặt được nung nóng. Nếu nồng độ tăng rất nhanh tới giá trị tới hạn thì đám cháy sẽ được dập tắt nhanh và sự phân hủy sẽ được hạn chế ở mức nhỏ nhất có thể đối với khí chữa cháy này. Nếu thành phần của khí chữa cháy có thể tạo ra số lượng lớn các sản phẩm phân hủy và thời gian để đạt tới giá trị tới hạn dài thì số lượng các sản phẩm phân hủy sẽ rất lớn. Nồng độ thực tế của các sản phẩm phân hủy lúc này phụ thuộc vào thể tích của căn phòng trong đó có đám cháy đang cháy, mức độ hòa trộn và sự thông gió.
Sự tiếp xúc của khí chữa cháy trong thời gian dài với nhiệt độ cao có thể tạo ra các nồng độ lớn hơn của các khí này. Nên chọn kiểu và độ nhạy của dụng cụ phát hiện kết hợp với tốc độ xả sao cho có thể giảm tới mức nhỏ nhất thời gian tiếp xúc của khí chữa cháy sạch với nhiệt độ cao nếu nồng độ của các sản phẩm bị phân hủy là nhỏ nhất.
Các khí chữa cháy không hóa lỏng không phân hủy một cách đáng kể trong dập tắt một đám cháy. Như vậy không tìm thấy các sản phẩm phân hủy độc hại hoặc ăn mòn. Tuy nhiên, các sản phẩm bị phá hủy của bản thân đám cháy có thể lớn và có thể làm cho khu vực đám cháy không bảo vệ được những người có mặt.
5.2. Các phòng ngừa về an toàn
5.2.1. Qui định chung
Khi lựa chọn các yêu cầu theo 4.2 và 4.3 thì có thể tuân theo các yêu cầu của Phụ lục G về hướng dẫn an toàn cho nhân viên phải tiếp xúc với nguy hiểm hoặc các yêu cầu qui định trong các tiêu chuẩn quốc gia thích hợp.
Các phòng ngừa về an toàn đưa ra trong tiêu chuẩn này không tính đến các ảnh hưởng độc hại hoặc sinh lý liên quan đến các sản phẩm cháy do đám cháy tạo ra. Thời gian tiếp xúc với nguy hiểm theo các phòng ngừa về an toàn trong tiêu chuẩn này tối đa là 5 min. Khi thời gian tiếp xúc lớn hơn 5 min có thể gây ra các ảnh hưởng độc hại và sinh lý.
5.2.2. Đối với các khu vực thường có người
Các phòng ngừa tối thiểu về an toàn phải phù hợp với Bảng 2.
Bảng 2 – Các phòng ngừa tối thiểu về an toàn
Nồng độ lớn nhất | Cơ cấu thời gian trễ | Bộ chuyển mạch tự động/bằng tay | Cơ cấu khóa ngắt |
Đến và bao gồm NOAEL | Có yêu cầu | Không yêu cầu | Không yêu cầu |
Trên NOAEL và nhỏ hơn LOAEL | Có yêu cầu | Có yêu cầu | Không yêu cầu |
LOAEL và trên LOAEL | Có yêu cầu | Có yêu cầu | Có yêu cầu |
CHÚ THÍCH: Mục đích của Bảng này là tránh sự tiếp xúc của người với các khí chữa cháy được phun ra. Các yếu tố như thời gian thoát nhiệt và rủi ro đối với người đi vào vùng có sự cố cháy do đám cháy nên được xem xét khi xác định thời gian trễ cho việc phun khi chữa cháy của hệ thống. |
5.2.3. Đối với các khu vực thường không có người
Nồng độ lớn nhất không được vượt quá LOAEL đối với khí chữa cháy được sử dụng nếu không có lắp một cơ cấu khóa ngắt.
Các hệ thống trong đó NOAEL bị vượt quá nên được đặt ở chế độ không tự động khi trong phòng có người.
CẢNH BÁO: Bất cứ sự thay đổi nào đối với thể tích khu vực được bảo vệ, hoặc bổ sung thêm hay loại bỏ các thành phần cố định không có trong thiết kế ban đầu sẽ ảnh hưởng tới nồng độ của khí chữa cháy. Trong những trường hợp này hệ thống phải được tính lại để bảo đảm đạt được nồng độ thiết kế yêu cầu và nồng độ lớn nhất phù hợp với Bảng 2.
5.2.4. Đối với các khu vực không thể có người
Nồng độ lớn nhất có thể vượt quá LOAEL đối với khí chữa cháy được sử dụng mà không cần phải lắp cơ cấu khóa ngắt.
5.3. Các khu vực có người
Trong các khu vực được bảo vệ bằng các hệ thống phun khí chữa cháy toàn bộ và có thể có người phải được trang bị như sau:
a) Cơ cấu làm trễ thời gian:
1) đối với các ứng dụng trong đó sự làm trễ đối với quá trình phun không làm tăng lên đáng kể mối hiểm họa cháy cho người hoặc tài sản thì các hệ thống chữa cháy phải được trang bị tín hiệu báo động trước khi xả với độ trễ thời gian đủ để cho phép sơ tán người;
2) cơ cấu làm trễ thời gian chỉ được sử dụng để sơ tán người hoặc để tạo khu vực cho việc phun khí chữa cháy.
b) Công tắc tự động/bằng tay và cơ cấu khóa ngắt nếu cần theo 5.2;
CHÚ THÍCH: Các cơ cấu khóa ngắt thường không được sử dụng, chúng chỉ được sử dụng trong một số trường hợp, đặc biệt là cho một số chức năng bảo dưỡng riêng.
c) Đường thoát hiểm, phải được giữ thông thoáng trong mọi lúc, đèn chiếu sáng khẩn cấp và chỉ dẫn thoát nạn cần đầy đủ để giảm tới mức nhỏ nhất quãng đường phải đi;
d) Cửa ra vào tự động mở ra phía ngoài, có thể mở được từ bên trong ngay cả khi được khóa từ bên ngoài;
e) Các tín hiệu báo động liên tục bằng ánh sáng và âm thanh tại các cửa vào và ra được chỉ định bên trong khu vực được bảo vệ và các tín hiệu báo động liên tục bằng ánh sáng bên ngoài khu vực được bảo vệ, phải hoạt động cho tới khi khu vực được bảo vệ đã an toàn;
f) Các tín hiệu cảnh báo và hướng dẫn thích hợp;
g) Khi có yêu cầu, các tín hiệu cảnh báo trước khi phun khí chữa cháy phải hoạt động tức thời từ lúc bắt đầu của thời gian trễ. Các tín hiệu này phải có đặc điểm khác so với tất cả các tín hiệu báo động khác;
h) Các phương tiện thông gió tự nhiên hoặc cưỡng bức ở các khu vực này sau khi phun khí chữa cháy. Sự thông gió cưỡng bức thường rất cần thiết. Phải chú ý làm khuếch tán hoàn toàn các khí nguy hiểm và không để chúng lây lan sang các vị trí khác vì phần lớn các khí chữa cháy đều nặng hơn không khí;
i) Các hướng dẫn và các bài tập huấn luyện cho tất cả những người ở trong hoặc ở lân cận các khu vực được bảo vệ, bao gồm cả việc duy trì hoặc tổ chức nhân lực để đưa vào khu vực bảo vệ để bảo đảm những người này hoạt động đúng khi hệ thống chữa cháy hoạt động.
Ngoài các yêu cầu trên cần đáp ứng các vấn đề sau:
– Nên cung cấp thiết bị hô hấp và các nhân viên được đào tạo về sử dụng thiết bị này;
– Các nhân viên không đi vào trong khu vực được bảo vệ cho tới khi đã được kiểm tra là họ có đủ điều kiện đảm bảo an toàn để làm nhiệm vụ.
5.4. Nguy hiểm về điện
Khoảng cách an toàn từ các vật dẫn điện hở đến tất cả các chi tiết, bộ phận của hệ thống cần tiếp cận trong quá trình bảo dưỡng không được nhỏ hơn các giá trị cho trong Bảng 3. Khi không thể đạt được các khoảng hở này thì phải có biển cảnh báo và trang bị một hệ thống an toàn cho công việc bảo dưỡng.
Bảng 3 – Khoảng cách an toàn để có thể vận hành, kiểm tra, làm sạch, sửa chữa, sơn và bảo dưỡng thông thường
Điện áp danh định lớn nhất kV | Khoảng hở nhỏ nhất từ bất kỳ điểm nào trên hoặc gần thiết bị cố định mà ở đó một người có thể đứng được a) | |
tới vật dẫn điện hở gần nhất (khoảng cách với bộ phận) m | tới phần gần nhất không nối đất của bộ phận cách điện b) đỡ dây dẫn có dòng điện chạy qua (khoảng cách tới đất) m | |
15 | 2,6 | 2,5 |
33 | 2,75 | |
44 | 2,90 | |
66 | 3,10 | |
88 | 3,20 | |
110 | 3,35 | |
132 | 3,50 | |
165 | 3,80 | |
220 | 4,30 | |
275 | 4,60 | |
a) được đo từ vị trí của bàn chân. b) thuật ngữ bộ phận cách điện bao gồm tất cả các dạng của bộ phận cách điện như sứ đỡ trên cột, sứ treo, ống cách điện, đầu bịt kín cáp và các bộ phận cách điện của một số kiểu cầu dao điện. |
5.5. Nối đất
Các hệ thống trong trạm biến áp hoặc phòng điều khiển phải được đấu nối và nối đất có hiệu quả để ngăn ngừa các bộ phận kim loại bị tích điện.
5.6. Sự phóng điện do tĩnh điện
Hệ thống phải được đấu nối và được nối đất tốt để giảm tới mức thấp nhất sự cố phóng điện do tĩnh điện.
6. Thiết kế hệ thống
6.1. Qui định chung
Điều này qui định các yêu cầu cho thiết kế hệ thống chữa cháy.
Tất cả các hệ thống phụ trợ và các phần cấu thành phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế có liên quan.
6.2 Cung cấp khí chữa cháy
6.2.1 Số lượng
6.2.1.1 Lượng khí chữa cháy trong hệ thống tối thiểu phải đủ cho một khu vực được bảo vệ lớn nhất hoặc một nhóm các khu vực được bảo vệ đồng thời.
6.2.1.2 Khi có yêu cầu, lượng dự trữ phải là bội số của lượng cung cấp chính theo qui định của cơ quan có thẩm quyền.
6.2.1.3 Khi cần bảo vệ liên tục, cả hai nguồn cấp chính và dự trữ phải được nối cố định với ống góp và phải được bố trí để dễ dàng chuyển đổi.
6.2.2 Chất lượng
Khí chữa cháy phải tuân theo các yêu cầu của các phần có liên quan trong TCVN 7161 (ISO 14520).
6.2.3 Bố trí bình chứa
6.2.3.1 Các bình chứa, cụm van và phụ kiện phải được sắp xếp sao cho có thể tiếp cận được để kiểm tra, thử nghiệm và bảo dưỡng khi cần thiết.
6.2.3.2 Các bình chứa phải được lắp đặt chắc chắn và gá đỡ phù hợp với tài liệu hướng dẫn lắp đặt các hệ thống chữa cháy để thuận tiện cho việc bảo dưỡng bình chứa và các thiết bị liên quan.
6.2.3.3 Các bình chứa phải được đặt càng gần với khu vực được bảo vệ càng tốt, nên ưu tiên đặt ngoài khu vực bảo vệ. Các bình chứa chỉ có thể được bố trí bên trong khu vực được bảo vệ nếu có thể giảm tới mức thấp nhất các nguy hiểm do cháy nổ gây ra.
6.2.3.4 Các bình chứa không được bố trí ở nơi chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt hoặc bị hư hỏng do tác động về cơ học, hóa học hoặc các nguyên nhân khác. Khi các bình chứa tiếp xúc với các nguy cơ dẫn đến hư hỏng hoặc có thể bị can thiệp trái phép thì phải có tường bao hoặc rào chắn thích hợp.
CHÚ THÍCH: Ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp có khả năng làm tăng nhiệt độ của bình chứa cao hơn nhiệt độ của môi trường không khí xung quanh.
6.2.4 Bình chứa khí chữa cháy
6.2.4.1 Qui định chung
Các bình chứa phải được thiết kế để chứa các khí chữa cháy chỉ định. Không được nạp các bình chứa đến mật độ nạp cao hơn các qui định trong tiêu chuẩn này đối với khí chữa cháy chỉ định.
Các bình chứa sử dụng trong các hệ thống này phải được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia có liên quan.
Khi được yêu cầu, các bình chứa và cụm van phải có các thiết bị xả áp phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia.
6.2.4.2 Chỉ báo lượng khí chứa trong bình chứa
Phải có phương tiện để chỉ báo rằng từng bình chứa được nạp đúng qui định.
6.2.4.3 Ghi nhãn
Mỗi bình chứa khí halocacbon phải có biển nhãn cố định hoặc cách đánh dấu cố định khác chỉ rõ khí chữa cháy, khối lượng bì, khối lượng toàn bộ và mức nén quá áp (khi áp dụng). Mỗi bình chứa khí trơ phải có đánh dấu cố định chỉ định khí chữa cháy, mức nén của bình chứa và thể tích danh định.
6.2.4.4 Các bình chứa nối với một ống góp
Khi hai hay nhiều bình chứa được nối với một ống góp thì phải có phương tiện tự động (như van một chiều) để ngăn ngừa tổn thất của khí chữa cháy từ ống góp nếu hệ thống được vận hành khi các bình chứa bất kỳ được tháo ra để bảo dưỡng.
Các bình chứa được nối với một ống góp chung trong hệ thống phải:
a) có cùng một dạng và dung tích danh nghĩa;
b) được nạp với cùng một khối lượng danh nghĩa của khí chữa cháy;
c) được nén tới cùng một áp suất làm việc danh nghĩa.
Các bình chứa có cỡ kích thước khác nhau được nối với một ống góp chung có thể được dùng cho các bình chứa khí không hóa lỏng với điều kiện là chúng đều được nén tới áp suất làm việc danh nghĩa.
6.2.4.5 Nhiệt độ làm việc
Nếu không có sự phê duyệt nào khác, nhiệt độ làm việc của bình chứa khí chữa cháy đang sử dụng đối với các hệ thống chữa cháy thể tích không được vượt quá 500C hoặc nhỏ hơn -200C (xem 7.3.1).
Nên sử dụng việc gia nhiệt hoặc làm mát bên ngoài để giữ nhiệt độ của bình chứa khí trong khoảng được chỉ định nếu không hệ thống được thiết kế để có thể hoạt động được với nhiệt độ làm việc ở ngoài khoảng này.
6.3 Thiết bị phân phối
6.3.1 Qui định chung
6.3.1.1 Đường ống và phụ tùng đường ống phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc gia thích hợp, được chế tạo bằng vật liệu không cháy, có khả năng chịu được áp suất, nhiệt độ yêu cầu mà không bị hư hỏng.
6.3.1.2 Trước khi lắp ráp lần cuối cùng, ống và các phụ tùng đường ống phải được kiểm tra bằng mắt để bảo đảm rằng chúng sạch sẽ, không có bavia, gỉ, không có vật lạ ở bên trong và toàn bộ ống thông suốt. Sau khi lắp, hệ thống phải được thổi thông ống bằng không khí khô hoặc khí nén khác.